Một phần tư thế kỷ nếu nói về thời gian thì quá lâu, vì trong thời gian 25 năm, vật đổi sao dời biết bao nhiêu thay đổi chẳng những thay đổi thiên nhiên, cảnh vật chung quanh mà thay đổi luôn cả lòng người, đức tin và tình yêu thương của con người đến với Chúa có còn như 25 năm về trước không? Nhiều hơn hoặc ít hơn? Nếu nói về không gian và thời gian trong tình yêu của Thiên Chúa thì chỉ mới còn hôm nào? Vâng, hôm nào đó trên xứ người, không cùng chủng tộc, tiếng nói kể cả trong Thánh lễ chỉ hiểu theo nghi thức những bài Phúc âm và bài giảng làm sao hiểu được khi mà tiếng Đức chỉ được dăm ba chữ, sách Phúc âm làm gì có để đọc? Giá như có Thánh lễ hằng tuần hoặc hàng tháng bằng ngôn ngữ của mình thì thật đầy ý nghĩa vô cùng.
Được chị Dobis thông báo sẽ có cha Việt Nam về dâng lễ, gia đình tôi lấy xe điện đi về hướng Huchting đúng vào một ngày cuối tuần mùa Ðông của đầu năm 1980, mặc dù đi trong cơn mưa tuyết lạnh buốt mà lòng cảm thấy thật ấm vì đang có niềm vui trải dài trong tâm hồn. Đã lâu lắm rồi chưa được cùng nhau dâng lễ bằng chính tiếng mẹ đẻ thật hiền dịu của „quê hương“, còn đang miên man với niềm vui… mà chân cứ bước đến nhà thờ lúc nào không hay. Thánh lễ do Cha Giuse Nguyễn Trung Ðiểm dâng không ở trong nhà thờ mà nơi phòng áo vì số giáo dân quá ít khoảng trên dưới 10 người (chị Tuyết Dobis, gia đình anh chị Xuân 3 ngừơi (em trai chị Tuyết), gia đình tôi 3 người, Tuấn xù, Nghĩa, Liên, Chi và một vài em nữa trong nhóm 30 trẻ em được Terre des Hommes được nhận vào Bremen). Cho đến bây giờ Thánh lễ đầu tiên với cảnh trời tuyết rơi giữa mọi tạo vật im lìm và cái lạnh, lạnh đầu tiên trong đời quyện lẫn niềm vui vẫn còn đang ẩn hiện đâu đây với những cảm giác như mới ngày nào đó.
„Ở đâu có hai ba người họp lại vì nhân danh Thầy thì có Thầy ở đấy, giữa họ“ (Mt.18:20), thiết nghĩ rằng kể từ sau Thánh lễ đó là khởi điểm của cộng đoàn Công giáo tại Bremen (ngày thành lập Cộng đoàn không có) và sinh hoạt của Cộng đoàn đã có mỗi khi Cha Ðiểm về dâng lễ. Thời gian ngày càng đông người đến định cư tại thành phố Bremen và cũng từ đó Cộng đoàn thêm giáo dân. Ðể phục vụ trong việc tông đồ và làm sáng danh Chúa vào thời điểm đó Cộng đoàn đã ngồi lại với nhau và những người có thiện chí đứng ra lãnh trách nhiệm điều hành trong cộng đoàn mỗi khi Cha về hoặc liên lạc với trung tâm mục vụ và tổ chức những ngày lễ lớn như mừng lễ Chúa Giáng sinh.v.v... cũng trong tinh thần sống hiệp nhất, khiêm nhường, thể hiện sự bình đẳng trước mặt Chúa mà Cộng đoàn Bremen có „BAN LÀM VIỆC„ với phương châm chỉ có làm để phục vụ. Trong khi đó những Cộng đoàn khác đã có sự bầu bán „Ban đại diện“, vì có lần về Trung tâm Mục vụ tại Borsum họp trong lúc giới thiệu thay mặt cho „Ban làm việc„ của Cộng đoàn Bremen thì có người hỏi tại sao lại là „Ban làm việc„? Lời dẫn chứng vì chúng tôi làm việc cho Chúa và chúng tôi chỉ thay phiên nhau làm chớ không bầu bán gì cả. Những lời dẫn chứng đó chỉ đúng vào thời gian đấy, rồi Cộng đoàn càng ngày càng đông người và nhiều ý kiến khác nhau, theo thời gian Cộng đoàn đi đến quyết định là phải bầu „Ban đại diện„.
Giáo xứ St. Thomas trong thời gian khá lâu là nơi sinh hoạt của Cộng đoàn mỗi khi Cha Tuyên Úy về dâng lễ, vào thời gian đó đa số những người Công giáo Việt Nam tại Bremen ở gần nhà thờ St. Thomas và phương tiện di chuyển xe điện, xe Bus cũng tiện, vì thế nhà thờ St. Thomas đã để lại cho những người Công giáo tại Bremen trong lòng ít nhiều những kỷ niệm vui buồn.
Dòng đời lặng lẽ trôi, sinh hoạt cộng đoàn đâu chỉ có những lúc Cha Tuyên Úy về dâng lễ, vì thế việc tôn vương Ðức Mẹ Maria (khoảng mùa Hè 1982) đến với cộng đoàn vào mỗi thứ bảy đầu tháng tại tư gia và từ đó tình liên đới giữa mỗi người, mỗi gia đình được gần nhau hơn. Nhưng cũng có đôi lúc sinh hoạt trong cộng đoàn không được phát triển mạnh, có những lúc đọc kinh tôn vương Đức Mẹ chỉ có 3 hoặc 5 người nhưng không vì thế mà việc đọc kinh bị vắng đoạn? có lẽ những năm đầu đến Đức công ăn việc làm, ngôn ngữ và phải hòa mình trong cuộc sống mới, gia đình con cái.v.v…
Nhưng có Mẹ Maria và việc tôn vương Mẹ mặc dù đôi khi chỉ có năm hoặc ba người đọc kinh với lòng thành kính và sự phù trợ của Mẹ mà đến nay cộng đoàn Bremen luôn được bình an. Thời gian cứ lặng lẽ trôi và việc tôn vương Mẹ Maria tại tư gia được vài năm thì có những gia đình có vấn đề với hàng xóm và cũng có những gia đình muốn đón Đức Mẹ nhưng vì không đủ điều kiện tại nơi cư ngụ vì thế giáo xứ St. Hellwig là trung tâm điểm vào những thứ bảy đầu tháng của Cộng đoàn Bremen quây quần dưới chân Mẹ Maria và cầu xin Mẹ cho Cộng đoàn bé nhỏ chúng con luôn yêu thương nhau.
Khi làn sóng tỵ nạn đến Đức khá đông và nhu cầu về tâm linh cho người di dân, Toà Tổng Giám mục cử Cha Giuse Nguyễn Trung Điểm đến vùng Bắc Đức lo cho giáo dân Viêt Nam. Cha là người đi khắp nẻo đường miền Bắc Đức để gom những con chiên lành, chiên lạc lại và thành lập Cộng đoàn, Ngài đã đi và đi mãi suốt thời gian 14 năm thành lập được 33 Cộng đoàn lớn nhỏ và chiếc xe của Ngài cứ mỗi năm lại chạy hết một vòng trái đất. Sau khi 117 vị Tử Đạo Việt Nam được Đức Thánh Cha Phong Thánh vào năm 1988 tại Roma, vào đầu thập niên 1990, vùng Bắc Đức đã chọn Thánh đường St. Marien Blummenthal (Bremen Nord) là trung tâm để dâng Thánh Lễ hằng năm kính nhớ các Thánh Tử Đạo Việt Nam và Cộng đoàn Bremen hân hoan được phụ trách phần „chủ nhà„ cùng với Cha Điểm chào đón các Cộng đoàn bạn trong vùng Bắc Đức vào dịp lễ mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Sau 14 năm gắn bó với Cha Điểm, vào một bổi họp cuối tuần tại Trung tâm Mục vụ Ngài đã thông báo hai tiếng „xin vâng„ với trọng trách khác mà Toà Tổng Giám mục giao cho Ngài. Việc Ngài không còn làm việc cho Giáo dân vùng Bắc Đức đã làm cho nhiều người thương tiếc và xúc động.
Sau lời „xin vâng“ của Cha Điểm, vùng Bắc Đức được chia thành hai vùng: Tây Bắc Đức và Đông Bắc Đức với hai vị Tuyên úy mới. Cộng đoàn Bremen đón chào vị Linh mục trẻ, Cha Giuse Huỳnh Công Hạnh và cũng từ đấy sinh hoạt Cộng đoàn đi vào khúc rẽ mới. Người mới việc mới, những sinh hoạt và chương trình làm việc có phần giống sinh hoạt của Cha Điểm vì thế Cộng đoàn Bremen không phải bỡ ngỡ với sinh hoạt của Cha Hạnh. Mới ngày nào đó gương mặt thư sinh của Cha Hạnh đến với Cộng đoàn mà nay đã trên 14 năm trôi qua, những năm đầu Cha Hạnh về Cộng đoàn đi đến từng gia đình để quen biết và có dịp Linh mục và Giáo dân gần nhau trao đổi để hiểu nhau hơn, việc làm cần nhiều nhẫn nại và lòng yêu thương. Giờ đây Cha Hạnh đã già dặn hơn (có thêm tí tuổi) và không biết sau 14 năm Cha Hạnh có phải lại nói lên hai tiếng „xin vâng„ như Cha Điểm của ngày nào đó không?
Các Ngài đến Linh hướng cho chúng ta rồi đi và thời gian cứ trôi lặng lẽ chỉ còn chúng ta ở lại với chúng ta trong Cộng đoàn cùng nhau xây dựng đời sống Đức tin và làm sáng danh Chúa. Đến nay Cộng đoàn chúng ta ngày càng lớn, sinh hoạt của Ca đoàn ngày càng phát triển, tình liên đới trong Cộng đoàn càng thắm thiết hơn, Đã trên 25 năm trôi qua cùng nhau sinh hoạt, hiểu nhau và gần nhau hơn như lời của Thánh Gioan (13: 35 ) „Với dấu chỉ nầy, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau„
Những gì mà chúng ta đã làm cho Cộng đoàn trong 25 năm, đến nay vẫn còn là kỷ niệm, kỷ niệm vui, buồn, hay thơ mộng là do chính chúng ta tạo nên. 25 năm bao nhiêu sóng gió, tranh cãi, giận hờn,… tất cả việc chúng ta làm đi đến cùng một mục đích là làm cho Chúa giờ đã trôi qua, tất cả là kỷ niệm, mỗi người chúng ta đều có kỷ niệm riêng mình và kỷ niệm với Cộng đoàn. Vì thế những kỷ niệm đẹp năm xưa làm đang là hàng trang cho hôm nay và cũng có thể là ngục tù nếu kỷ niệm đó là những kỷ niệm đau buồn. Giờ đây nếu chúng ta nhìn về tương lai 25 năm tới sẽ ra sao?? Không ai biết đuợc, nhưng nếu giờ đây mỗi ngày chúng ta tặng cho nhau những lời yêu thương và cho Cộng đoàn lời tốt đẹp như những cánh hoa Hồng thì sau 25 năm Cộng đoàn chúng ta sẽ là một rừng hoa Hồng tươi thắm, nếu 25 năm sau chúng ta không nhìn được rừng hoa Hồng đó thì con cháu chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng và thầm khen những khóm hoa Hồng mà do chính chúng ta tao nên. „Kỷ niệm là những hạt mầm đã gieo xuống hôm nay sẽ trổ sinh ngày mai. Có thể là quả ngọt, có khi là trái đắng."
Lạy Chúa, chúng con mừng kỷ niệm 25 năm Cộng đoàn, 25 năm giờ chỉ còn là kỷ niệm, chúng con muốn có kỷ niệm đẹp. Nhưng Chúa lại là người yêu thích kỷ niệm hơn ai hết, hằng bao nhiêu năm trời Chúa đã chuẩn bị trước khi chia ly, bữa cơm chiều hôm ấy Chúa đã trao kỷ niệm cho các môn đệ của Chúa. „ Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc nầy, mà tưởng nhớ đến Thầy„ ( Lc. 22:19 ). Chúa đã yêu thương chúng con để lại kỷ niện đẹp đến nay trên hai ngàn năm cho chúng con. Chúa đã coi tặng vật như một giá trị vô cùng thiêng liêng nên đã dành vào giờ quan trọng nhất là giờ trước khi Chúa chết. Chúa cũng đã chọn một tặng vật cao quý nhất để tặng con người, đó là bữa Tiệc Ly, Chúa lập phép Thánh Thể. Chúa đã cho chúng con tặng vật đẹp nhất là chính Chúa, xin Chúa giúp chúng con cố gắng đem kỷ niệm đẹp đến cho mọi người. Và xin Chúa hãy nhắc nhở chúng con luôn luôn khôn ngoan gieo xuống đời mình những kỷ niệm đẹp hôm nay để ngày mai khỏi dằn vặt hối tiếc.
Lạy Chúa xin cho chúng con bé nhỏ lại và đừng để cho chúng con hãnh diện những gì chúng con đã làm cho Cộng đoàn, như có lần Mẹ Teresa thành Calcutta nói với cố Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận „Đừng hãnh diện những gì mình làm mà hãy cám ơn những gì mình có."
Bremen 03.03.2006
Phùng Khải Tuấn