Đức Maria ngay từ phút đầu tiên trong lòng mẹ đã được tràn đầy ân sủng, đuợc sống trong mối quan hệ thân mật với Thiên Chúa Ba Ngôi, và mãi mãi về sau không bao giờ sống trong tình trạng xa lìa Thiên chúa.
Một chút lịch sử
Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đã được Đức Giáo Hoàng Piô IX long trọng công bố qua sắc dụ Ineffabilis Deus ngày 8. 12. 1854, đến nay là chẵn 150 năm. Không phải là vô cớ mà Đức Thánh Cha đã chọn ba vị Tổng Quyền của ba chi nhánh Dòng thánh Phanxicô làm thỉnh nguyện viên, nghĩa là làm người đại diện dân Chúa chính thức đệ trình lên ngài lời thỉnh nguyện trong thánh lễ công bố tín điều này.
Dòng Phanxicô không phải là người đầu tiên và duy nhất đã cổ vũ cho niềm tin vào việc Đức Mẹ được đặc ân không mắc tội nguyên tổ. Từ rất sớm trong Giáo Hội đã nẩy sinh niềm tin đó. Sau khi công đồng Ephêsô, thế kỷ thứ II, công bố tín điều về Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, đã hình thành dần dần trong Giáo Hội ý tưởng rằng để làm Thánh Mẫu Thiên Chúa, Người phải được giữ gìn cho khỏi tì ố của nguyên tội, và nhờ đó Mẹ đã có thể được tôn vinh trong linh hồn và thể xác ngay sau khi lìa đời mà không phải đợi đến lúc mọi người được sống lại trong "ngày sau hết". Niềm tin đó đưa tới việc Giáo Hội Đông phương đã mừng lễ "Đức Mẹ an giấc" (dormitio) vào thế kỷ thứ VI. Một truyền thống lâu đời vẫn luôn luôn tuyên xưng Mẹ là Đấng Tuyệt Thánh (Tota sancta). Một số nhà thần học đã bênh vực ơn vô nhiễm nguyên tội của Đức Mẹ, chẳng hạn thánh Bênađô ở thế kỷ XII. Nhưng tuy hết lời ca tụng Đức Mẹ vì ân huệ này, ngài cũng chưa tìm ra được lý lẽ thần học nào vững chắc để khẳng định niềm tin ấy. Còn thánh Tôma Aquinô thì phản bác. Trong số những người bênh vực, có lẽ các con cái thánh Phanxicô là kiên trì và quyết liệt nhất, đặc biệt là chân phước Duns Scot (1266-1308). Chính Duns Scot đã đặt cơ sở thần học vững vàng cho niềm tin Đức Mẹ Vô Nhiễm, được Giáo Hội chấp nhận. Đáng chú ý là ngay từ năm 1642 tổng tu nghị của Dòng Anh Em Hèn Mọn tại Tây Ban Nha đã chọn Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm bổng mạng cho toàn dòng.
Nhưng ta hãy trở lại với chính tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm.
Nội dung của tín điều.
Đức Giáo Hoàng Piô IX đã xác định nội dung của tín điều này như sau:
"Với quyền của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, của các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô và của chính chúng tôi, chúng tôi minh xác, công bố và định tín rằng Đức Trinh Nữ hồng phúc Maria, ngay từ giây phút đầu tiên được thụ thai (trong lòng thân mẫu), do một ân sủng đặc biệt của Thiên Chúa dành riêng cho Người, nhờ công đức của Chúa Giêsu Kitô Đấng cứu độ nhân loại, đã được giữ gìn khỏi mọi tì ố của nguyên tội: đó là một giáo lý do Thiên Chúa mặc khải và mọi tín hữu phải tuyên xưng niềm tín ấy. "
Trước tiên Đức Thánh Cha xác định rằng Đức Mẹ được giữ gìn khỏi mắc tội nguyên tổ, và đó là một đặc ân Thiên Chúa ban cho một mình Người mà thôi. Nhưng được gìn giữ cho khỏi vướng tội nguyên tổ mới chỉ là một mặt. Khía cạnh thứ hai, có thể nói là khía cạnh tích cực hơn, là Đức Maria ngay từ phút đầu tiên trong lòng mẹ đã được tràn đầy ân sủng, đuợc sống trong mối quan hệ thân mật với Thiên Chúa Ba Ngôi, và mãi mãi về sau không bao giờ sống trong tình trạng xa lìa Thiên Chúa. Chúng ta biết, sau này khi truyền tin cho Trinh Nữ Maria, sứ thần Gabriel đã thưa với Người: "Kính chào Bà đầy ân sủng". Đúng hơn (sát với nguyên văn hơn) phải nói: "Mừng vui lên, hỡi Đầy Ân Sủng, Thiên Chúa ở cùng Bà!" "Đầy Ân Sủng" được dùng như là tên riêng của Đức Maria vậy. Chính vì tràn đầy ân sủng như thế mà linh hồn Mẹ không còn một kẻ hở nào, dù là nhỏ nhất, cho tội lỗi có thể lọt vào. Ánh sáng đầy ắp thì không có chỗ cho bóng tối. Mẹ là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội vì Mẹ được tràn đầy ân sủng.
Nhưng như thế hoá ra Chúa Giêsu không phải là Đấng Cứu Độ tuyệt đối của toàn thể thọ tạo sao? Người không phải là trung gian duy nhất giữa loài người và Thiên Chúa sao? Đó là thắc mắc lớn nhất, khó khăn nhất mà các nhà thần học phải mất nhiều thế kỷ mới giải đáp được. Trong công thức định tín, Đức Thánh Cha đã trả lời thắc mắc đó bằng cách lấy lại lý luận của chân phước Duns Scot và dạy rằng Đức Mẹ cũng được cứu chuộc dù Đức Giêsu Con Mẹ chưa sinh ra, chưa thực hiện việc cứu độ. Đối với Thiên Chúa thì điều ấy vẫn có thể. Vì là Đấng vĩnh cữu và toàn năng, Người đã nghĩ trước--(nếu nói được như vậy)--tới công ơn cứu chuộc mà Chúa Cứu Thế sẽ thực hiện sau này, và nhờ công ơn đó Thiên Chúa đã cho Mẹ khỏi vương tội nguyên tổ. (Lời nguyện đầu lễ ngày 8 tháng 12 nói rõ như thế).
Đức Mẹ được đặc ân lạ lùng kia để làm gì?
Đó là để làm Mẹ Chúa Cứu Thế, làm nơi xứng đáng nhất cho Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người cứu độ trần gian. Khi ta muốn làm một công việc gì, nhất là việc hệ trọng, ta phải có kế hoạch, cho chuơng trình, phải xác định rõ mục tiêu là gì, các phương tiện cần dùng là gì, phải phân chia các giai đoạn thực hiện sao cho hợp lý nhất, rồi tiên liệu ai sẽ thực hiện chương trình đã vạch ra?... Trong công cuộc cứu chuộc loài người cũng thế. Thiên Chúa không làm một cách tình cờ, hoặc theo ngẫu hứng. Tất cả các bài đọc Kinh Thánh trong lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm ngày 8 tháng 12 hằng năm đều nói rõ điều đó. Chúng ta chỉ cần nhấn mạnh ở đây là: trong kế hoạch lâu dài của công trình cứu độ, Đức Maria có một vị trí và một vai trò độc nhất vô nhị, chỉ thua vị trí và vai trò của Chúa Giêsu Con Mẹ mà thôi.
Vậy nói cho cùng, đặc ân Vô Nhiễm của Đức Mẹ cũng là vì chúng ta, cho chúng ta. Khi công bố tín điều này Giáo Hội muốn đề nghị với chúng ta hãy chiêm ngắm trong Đức Mẹ sự thành công hoàn hảo của nhân loại, như Thiên Chúa mong muốn. "Nơi Người, (Thiên Chúa) đã phác hoạ hình ảnh một Hội Thánh rất xinh đẹp, không tì ố, không vết nhăn, là Hiền Thê của Đức Kitô... (Thiên Chúa) đã chọn Người giữa muôn một, để Người chuyển cầu và nêu gương thánh thiện cho dân Chúa" (Kinh tiền tụng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm). Mô hình hoàn hảo mà Giáo Hội đề nghị ở đây không phải là một anh hùng chiến sĩ, không phải là một nhà bác học hay một nghệ sĩ nhưng là một thiếu nữ bình thường đã biết dứt khoát thưa vâng với Thiên Chúa trong mọi sự, đã luôn luôn trung thành với Lời của Chúa và không bao giờ mất tin tưởng vào Chúa Giêsu Con Mẹ, ngay cả trên Núi Sọ, nghĩa là khi mọi sự xem ra đã hoàn toàn thất bại, lúc mà thiên hạ đã kết luận chắc nịch rằng toàn bộ câu chuyện về Giêsu Nagiaret chỉ là trò bịp bợm mà thôi... Đặc ân vô nhiễm chẳng làm cho Mẹ trổi trang hơn ai xét về mặt tự nhiên, cũng chẳng miễn cho Mẹ khỏi mọi khó khăn thử thách của cuộc đời, ngay cả khỏi phải dò dẫm bước đi trong bóng tối của đức tin và lòng nhẫn nại ...
Hiển nhiên là trước mắt người đời, một lý tưởng đời sống như thế không hấp dẫn bằng cuộc sống một anh hùng, một nhà bác học hay một nghệ sĩ nổi danh. Nhưng trước mặt Thiên Chúa thì lại chẳng thành công nào hiển hách hơn.
Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô
(Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)